C7H3.HTC

Kho tài liệu cho chuyên ngành lữ hành hướng dẫn

10 CÁCH CHỐNG SAY TÀU XE

Bạn đã từng có cảm giác khó chịu, chẳng hạn như buồn nôn, mệt mỏi khi đi tàu xe chưa ?

Chắc chắn là có ! Đôi lúc bạn không nhận ra vì tùy theo mức độ nhạy cảm của từng người mà triệu chứng xuất hiện sớm hay muộn, nặng hay nhẹ mà thôi. Đầu tiên, bạn cảm thấy khó chịu, nôn nao, choáng váng. Nếu nhẹ thì thường triệu chứng này sẽ thoáng qua, người bệnh thích nghi dần và hết hoàn toàn khi phương tiện ngừng di chuyển. Nếu nặng hơn thì người bệnh sẽ tiết nhiều nước bọt ở miệng, dạ dày cồn cào, buồn nôn và nôn, da tái nhợt, đau đầu, choáng váng, thở nhanh, vã mồ hôi.


Nguyên nhân chủ yếu gây say tàu xe là sự kém thích ứng của tiền đình với sự thay đổi vị trí của cơ thể một cách không có quy tắc. Trong hoạt động hằng ngày, chúng ta quen đi lại trên mặt đất bằng, không quen với sự tròng trành. Sự thay đổi phương hướng và tốc độ vận động khác nhau đều gây kích thích không tốt cho cơ quan tiền đình ở tai trong. Sự kích thích này mạnh đến một mức nào đó sẽ làm cho một số người chịu không nổi, dẫn đến tình trạng đau đầu, buồn nôn và nôn.

Say xe có thể phòng chống bằng việc bỏ đi những thói quen rất bình thường như đọc sách, ăn quá no hay để bụng đói mỗi khi đi tàu xe. Dưới đây là những cách chống say tàu xe phổ biến:

1. Uống thuốc chống say xe:

Dùng một số loại thuốc chống say tàu xe như: aeron, dimenhydrinat… (Đọc kỹ hướng dẫn trước khi uống). Nên uống thuốc chống say tàu xe trước khi đi 15 đến 20 phút và không uống chung với rượu. Dân chơi xe ôtô cho biết các loại thuốc an thần này không có tác dụng phụ, hoặc gây ảnh hưởng tới khả năng lái.

2. Dùng miếng dán cổ hoặc bên mang tai để chống say.
Loại miếng dán này có hạt nhựa nhỏ để tạo áp lực lên cổ tay, giúp hành khách không bị cảm giác say xe. Bạn có thể thực hiện phương pháp này bằng cách ấn nhẹ phần giữa hai dây chằng khoảng 3 cm và lùi về phía cùi chỏ. Bạn cũng có thể làm 1 đôi găng cổ tay, phía trong đặt 1 vật tròn cứng. Trước khi bị say xe đeo găng vào cổ tay, cho vật tròn ấn vào huyệt nội quan ở tay sẽ có tác dụng trấn tỉnh trung khu thần kinh, giúp chống nôn.

3. Dùng thảo mộc

Bạn có thể đặt 1 miếng gừng tươi hoặc bôi một ít dầu gió vào khẩu trang đeo vào miệng trước khi lên tàu xe. Gừng cũng có tác dụng làm dịu bao tử khi ngậm do vậy bạn nên chuẩn bị trước một vài lát gừng nhỏ. Một cách khác nữa, bạn có thể dùng vỏ cam, vỏ quýt để ngửi từ lúc lên xe sẽ giúp bạn đỡ đau đầu hơn.

4. Nên chọn ngồi ghế trước
Nên chọn ngồi ghế trước và không nên ngồi ở dãy ghế mà bên dưới là bánh xe để tránh bị dằn xóc, cũng đừng nên ngồi ngược lại hướng chuyển động của xe cũng như nơi bị ánh nắng trực tiếp. Ngoài ra khi ngồi ở ghế trước bạn có thể nhìn xa hơn và không bị vướng vào những tình huống trên xe.

5. Luôn tập trung: Sự tập trung khiến bạn thoát khỏi cảm giác say và hãy cố gắng nhìn vào một hình ảnh phía trước trên đường, không nhìn phong cảnh xung quanh (khiến mắt phải làm việc nhiều hơn).

6. Không đọc sách báo khi ngồi trên xe, kể cả nhìn bản đồ.

7. Tránh ăn no hoặc để bụng đói khi lên xe, nên tránh ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ. Bạn cũng không nên dùng các chất kích thích như rượu – bia, cà phê, thuốc lá; thay vào đó bạn có thể nhai kẹo cao su hay nhấp nước lọc.

8. Thở bằng khí trời
Các phương tiện chở khách hiện nay đều sử dụng máy điều hòa do vậy nên đặt chế độ lấy gió ngoài. Nếu có thể, bạn nên mở cửa để hít thở không khí tự nhiên.

9. Chơi trò chơi

Hãy làm những chuyện khác để quên đi cảm giác khó chịu, có thể nói chuyện với mọi người, nếu là trẻ con, bạn hãy cho bé chơi trò chơi, chẳng hạn như đố vui hay kể chuyện cho chúng nghe. Bạn không nên cho trẻ chơi những game máy tính hay trên điện thoại di động bởi chúng chỉ có tác động ngược lại.

10.Điều cuối cùng cần lưu ý là trang bị túi dự phòng !

Để bạn có thể dùng trong những tính huống khẩn cấp như khi xe dừng lại chẳng hạn, vì đó là thời điểm những người say xe rất dễ bị nôn.

Single Post Navigation

Gửi bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.