C7H3.HTC

Kho tài liệu cho chuyên ngành lữ hành hướng dẫn

Bài thuyết minh – City tour Hà Nội – Quảng trường Ba Đình

IV. Quảng trường Ba Đình

Rất vui khi được gặp lại quý khách trong chặng tiếp theo của cuộc hành trình!

Kính thưa quý khách, chúng ta vừa trải qua những giây phút thư giãn trong không gian của Phở 24. Tôi hi vọng mọi người đã có một bữa trưa ngon miệng khi thưởng thức sự tinh túy của ẩm thực thủ đô.

Chúng ta vừa đi qua Hàng Bún, tạm chia tay với phố cổ sầm uất để đến với trái tim của Hà Nội. Con đường mà xe chúng ta đang đi qua là Quán Thánh. Không phải đơn giản mà con đường này có cái tên ấy, khu vực này tập trung rất nhiều đền chùa, những di tích mang đậm tính tôn giáo Việt. Quán Thánh có nghĩa là nơi tụ, mảnh đất của thánh thần. Không thể không nhắc đến đền Quán Thánh- 1 trong Thăng Long tứ trấn, cụm di tích Hồ Tây… đã tạo ra 1 thương hiệu du lịch của Thủ đô.


Đối với người dân Việt Nam, Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, mà Hà Nội còn lưu giữ trong mình rất nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa và cách mạng. Chúng ta đang tiến lại gần với Quảng trường Ba Đình, nơi 63 năm trước đã chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc ngày Tuyên bố độc lập 2-9-1945, nơi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước mắt chúng ta là Phủ Chủ Tịch, nơi làm việc của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cuối thế kỷ 19, trong quá trình xâm lược Việt Nam, người Pháp đã tổ chức ra một bộ máy khá hoàn chỉnh từ trung ương cho đến địa phương. Ở trung ương là Phủ toàn quyền Đông Dương; ở các kỳ là Thống sứ, Khâm sứ, Thống đốc; ở các tỉnh là các Công sứ… nhằm phục vụ cho việc cai trị Việt Nam.

Sau khi chiếm được Hà Nội vào năm 1883, người Pháp đã tiến hành xây dựng thành phố Hà Nội mới, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có trụ sở Phủ toàn quyền Đông Dương, phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất.Phủ toàn quyền Đông Dương (có tên tiếng Pháp là Gouvernement Général de L’Indochine) do kiến trúc sư Ch. Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng trong những năm 1901-1906 với quy mô hoành tráng, uy nghiêm và quyền lực. Có nguồn cho biết người phụ trách xây dựng phủ là Auguste Henri Vildieu.

Năm 1954, Việt Nam đánh bại Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ và chuyển chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Hà Nội. Ngày 3 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bãi bỏ toàn bộ các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương và thiết lập một hệ thống cơ quan phục vụ chính phủ lâm thời Việt Nam tại đây.Tuy nhiên Hồ Chí Minh không sống trong Phủ; ông chỉ tiếp khách tại đây và sống trong một nhà sàn bên cạnh hồ nước gần đó.Hiện nay tòa nhà này là Phủ Chủ tịch, nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi, đối ngoại trọng đại của Việt Nam. Xung quanh là khu di tích lịch sử; và gần đó có Lăng Hồ Chí Minh, bảo tàng Hồ Chí Minh, chùa Một Cột. Phủ không mở tự do cho công chúng, tuy nhiên có thể trả tiền để vào tham quan khu vườn.Hiện nay Phủ Chủ tịch có một phần được tách riêng, đó là Khu di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Vâng thưa quý khách, chúng ta đang đứng trước quảng trường Ba Đình lịch sử. Khu vực trước lăng là Vườn Hồng, một công viên nhỏ của người dân thủ đô mỗi tối đến xem lễ hạ cờ, nơi đây trồng rất nhiều hoa đào và hoa hồng, tạo ra một cảnh sắc đẹp cho Lăng Bác suốt bốn mùa trong năm.

Mùa thu Tháng Tám cách đây vừa tròn 63 năm, dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn dân tộc ta từ Bắc chí Nam triệu người như một đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 19-8-1945, hàng chục vạn người dân Hà Nội sau khi tham dự mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố, đã rầm rập tỏa đi các ngả, chiếm các cơ quan, công sở của chính quyền bù nhìn thân Nhật, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công trong cả nước, ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, giữa rừng cờ đỏ sao vàng và giữa rừng người dân Việt Nam vừa mới thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc, thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Thế là từ một khu đất còn trống vắng và hoang sơ của Hà Nội cũ dưới thời Pháp thuộc, sau ngày Tuyên bố độc lập, Quảng trường Ba Đình đã đi vào lịch sử của dân tộc ta và trở thành nơi khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Quảng trường Ba Đình trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn gọi là Quảng trường Tròn (Rond Point Puginier) hay còn gọi là Quảng trường Puginier – tên một cha cố người Pháp. Đó là một khu đất gồm những bãi đất hoang và hồ ao mới lấp bằng, rộng hàng chục héc-ta cạnh Phủ toàn quyền Pháp. Khu vực Quảng trường Tròn này trong một thời gian dài hầu như chẳng có gì thay đổi cả. Mặc dù đã hai lần có hai kiến trúc sư người Pháp là Hebrat và Cerruti đưa ra kế hoạch tổng thể để cải tạo và quy hoạch lại Quảng trường Tròn. Và sau đó vào năm 1922, rồi năm 1938, phủ Toàn quyền Pháp cũng đã có ý định quy hoạch lại Quảng trường Tròn. Song không hiểu vì lý do gì mà các dự án cải tạo Quảng trường Tròn vẫn chỉ nằm trên giấy. Tuy vậy, không phải là không có gì thay đổi. Vào năm 1930, người Pháp cũng đã cho xây dựng một công trình ở mé Quảng trường Tròn (đầu đường Cột Cờ ngày nay), đó là Nha Tài chính và Trước bạ. Ngôi nhà xây khá đẹp, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Cerruti và do Hãng Aviat thầu và thi công. Người Pháp cũng đã dự kiến làm một công viên lớn thuộc khu đất của Quảng trường Tròn và đường Hoàng Diệu. Con đường dự kiến đó trên bản đồ mang tên Rue Paul Dounmer (tên một Toàn quyền Pháp ở Đông Dương), sau Cách mạng Tháng Tám đổi thành phố Nguyễn Lâm. Như vậy là trong nửa đầu thế kỷ XX, Quảng trường Tròn này chưa có gì đáng chú ý lắm, chung quanh còn có nhiều bãi rộng đầy cát sỏi, hầu như không có cây cối, là những khoảng đất chờ được xây dựng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, các tên phố phường và vườn hoa, công viên ở Hà Nội cũng có nhiều sự thay đổi. Quảng trường Tròn được gọi là Vườn hoa Ba Đình. Sở dĩ gọi là Vườn hoa Ba Đình hay Quảng trường Ba Đình là để tưởng nhớ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nhân dân Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX do Đinh Công Tráng lãnh đạo. Có phải ngẫu nhiên hay không mà Ban Tổ chức buổi lễ Tuyên bố độc lập và giới thiệu Chính phủ lâm thời lại chọn Quảng trường Ba Đình, tức là dẫn nó đến một sứ mệnh huy hoàng, làm cho nó trở thành một trong những địa danh lịch sử quan trọng của đất nước? Theo yêu cầu của Chính phủ lâm thời hồi đó, Ban tổ chức buổi lễ Tuyên bố độc lập (do mấy người trong Ban Văn hóa cứu quốc phụ trách – Trưởng ban là Phạm Văn Khoa, kiến trúc sư Ngô Huy Huỳnh và họa sĩ Nguyễn Đinh Hàm) đi tìm một địa điểm rộng đủ cho một cuộc mít tinh lớn có thể tập trung được mấy chục vạn người. Ban đầu những người trong Ban tổ chức định chọn khu Quần Ngựa hoặc Đông Dương học xá, song lại thấy nó quá xa trung tâm Thành phố. Còn địa điểm trung tâm là Quảng trường Nhà hát Lớn thì lại quá chật chội. Vì vậy cuối cùng, Ban tổ chức đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình, tuy rằng lúc này xung quanh đó còn những địa điểm như Phủ Toàn quyền, Thành Hà Nội… vẫn còn những lực lượng thù địch chiếm đóng. Buổi lễ trọng đại ngày 2-9-1945, giữa Quảng trường Ba Đình, Ban tổ chức đặt một bục gỗ cao, chung quanh quấn vải, dán khẩu hiệu, trên bục có cột cờ. Giữa trời nắng chang chang tháng tám (ta), khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lên phát biểu phải có người đứng sau che ô.

Trong thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947 – 1954), Phủ Toàn quyền Pháp đã đổi tên Vườn hoa Ba Đình thành Vườn hoa Hồng Bàng. Năm 1954, khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, Dinh Toàn quyền cũ cạnh Quảng trường Ba Đình trở thành Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình là nơi thường xuyên có những cuộc mít tinh lớn trong các ngày kỷ niệm lịch sử, hoặc để tiếp đón và chào mừng các phái đoàn quốc tế đến thăm Việt Nam. Vài năm sau, phía bên kia của Quảng trường, Chính phủ ta đã cho xây dựng Hội trường Quốc hội (nay là Hội trường Ba Đình) và cạnh đó sau này là Đài tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Ngày 2-9-1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Quảng trường Ba Đình cũng là nơi chứng kiến Lễ truy điệu Người. Sau đó không lâu, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình làm nơi xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, một công trình kiến trúc lịch sử nữa cũng được ra đời bên cạnh Quảng trường Ba Đình, đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Công trình này cũng góp phần làm cho quần thể kiến trúc khu Lăng thêm hoàn chỉnh. Như vậy là Quảng trường Ba Đình, trước đó đã có sẵn giá trị là một địa điểm vinh quang, sau hơn nửa thế kỷ đã có thêm Hội trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng mang tên Người, rồi Đài Tưởng niệm các liệt sĩ cùng nhiều di tích lịch sử và cách mạng khác đã và đang trở thành một cái tên quen thuộc và thiêng liêng, một niềm tự hào không chỉ của người dân Thủ đô, mà còn là niềm tự hào và vinh quang chung cho nhân dân cả nước.

Single Post Navigation

1 thoughts on “Bài thuyết minh – City tour Hà Nội – Quảng trường Ba Đình

  1. 20061992 on said:

    minh mong rang ban se co nhung bai viet ve nhung diem du lich tai ha noi cung nhu cac diem du lich noi tieng cua viet nam.hay va thanh cong hon nua.neu co co hoi minh muon duoc duoc su cho gjup tu bsn,dong y k.hay pm vao day cho m.01675853045.thank.chuc ban thanh cong

Gửi bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.