C7H3.HTC

Kho tài liệu cho chuyên ngành lữ hành hướng dẫn

THUYẾT MINH TOUR BUÔN MA THUỘT

Từ Sài Gòn, bạn có thể gọi điện cho nhiều hãng xe tư nhân lấy chỗ, xe sẽ đưa bạn đến tận nơi nào bạn yêu cầu ở thành phố Ban Mê Thuột, giá từ khoảng 80 đến trên 130.000

Quốc lộ 14 là con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Bắc Trung Bộ với các tỉnh cao nguyên Nam Trung Bộ và các tỉnh Đông Nam Bộ. Nếu tính về chiều dài (khoảng 890 km) thì đây là quốc lộ dài thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau quốc lộ 1A.

Quốc lộ 14 chạy qua địa phận các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Bình Phước.


 

Điểm đầu: Cầu Đa Krong, huyện Đa Krong, Quảng Trị.

Lộ trình: TT.A Lưới (H.A Lưới, Thừa Thiên Huế) – TT.Prao (H.Đông Giang, Quảng Nam) – TT.Khâm Đức (H.Phước Sơn, Quảng Nam) – TT.Pleikan (H.Ngọc Hồi, Kon Tum – Thị xã Kon Tum), Kon Tum – Thành phố Pleiku, Gia Lai – Thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk – Thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông – Thị xã Đồng Xoài, Bình Phước.

Điểm cuối: TT.Chơn Thành (H.Chơn Thành, Bình Phước).

Đoạn từ cầu Đa Krong tới thị xã Kon Tum là đường bê tông nhựa, từ thị xã Kon Tum tới thị trấn Chơn Thành là đường nhựa.

Giới thiệu

Xưa kia, thủ phủ của vùng đất cao nguyên này được đặt tại Bản Đôn. Năm 1890, Bourgeois – một tên thực dân nổi tiếng nham hiểm, sau khi thu phục được Khumjunop, một tù trưởng, một vua săn voi nổi tiếng ở Bản Đôn đã tiếp tục tìm mọi cách để mua chuộc tù trưởng Ama Y Thuột nhằm đặt tiền đề cho việc xây dựng một thủ phủ mới ở đây. Bourgeois đã nhìn thấy tương lai của vùng đất rộng, bằng phẳng và rất màu mỡ này, 14 năm sau tức năm 1904, thực dân Pháp cho dời thủ phủ từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Ngày 02-11-1904 toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập tỉnh Đắk Lắk, đặt tỉnh lỵ tại Buôn Ma Thuột, dưới sự bảo hộ của Khâm sứ Trung Kỳ. Các công sứ người Pháp, đặc biệt là Sabatier muốn duy trì việc biệt lập Tây Nguyên. Nhưng do nhu cầu thiết lập cơ sở chính trị, hành chính xã hội đòi hỏi sự có mặt của các công chức, vì thế bên cạnh người Pháp, người Êđê, người Kinh đã dần có mặt ngày càng đông, nhất là sau khi có Nghị định ngày 02-07-1923 của toàn quyền Đông Dương về việc thành lập tỉnh Đắk Lắk.

Đó cũng là cơ sở để đến năm 1928 làng Lạc Giao, một làng người Kinh đầu tiên ở Buôn Ma Thuột được thành lập. Đây là cái mốc đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Buôn Ma Thuột. Nhờ sự phát triển đó nên ngày 05.06.1930 Khâm sứ Trung Kỳ đã ra Nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột. Sau giải phóng năm 1975 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắk Lắk và Thị ủy Buôn Ma Thuột, cán bộ và nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột đã đoàn kết một lòng, lao động sáng tạo vượt qua mọi khó khăn gian khổ, xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp, vì thế ngày 21-01-1995 Chính phủ đã ra Nghị định số 08/CP thành lập thành phố Buôn Ma Thuột trực thuộc tỉnh Đắk Lắk. Ngày nay tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột trở thành quen thuộc, không chỉ ở trong nước mà còn cả trên thế giới.

Thành phố hôm nay khang trang to đẹp hơn bởi những công trình mới, kiến trúc mới, từ năm 1995 đến nay nhiều con đường được nâng cấp và mở rộng thêm. Nhiều công trình mới được xây dựng như Bưu điện tỉnh, Tỉnh ủy, Thành ủy, Nhà văn hóa  trung tâm, Đài Phát thanh – truyền hình. Đặc biệt khu phố mới phía Đông Bắc của thành phố có Trung tâm Thể thao, các toà nhà cao tầng … Bên cạnh đó, Buôn Ma Thuột vẫn còn giữ nét đặc trưng bởi những kiến trúc cổ, thường mô phỏng theo kiểu nhà dài của người Ê đê như Biệt điện Đảo Đại, hay như Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột với kiến trúc độc đáo, cũng theo kiểu nhà dài Ê đê, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ và ngói vảy tạo nên phong cách độc đáo Tây Nguyên. Và cuối cùng là Chùa Khải Đoan (Sắc Tứ Khải Đoan tự – là từ ghép của 2 tên Khải Định và Đoan Huy) được xây dựng từ  thời Khải Định.

Để tham quan và tìm hiểu rộng hơn về văn hóa, lịch sử thành phố Buôn Ma Thuột, chúng ta có thể thăm Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Dân tộc, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao hoặc các buôn của đồng bào dân tộc Êđê  như (AKoDhong, Kôsia), chúng ta có thể thưởng thức văn nghệ cồng chiêng và uống rượu cần với người dân ở đây.

Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk và là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên Việt Nam.

Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là “bản hoặc làng của Ama Thuột”, nó xuất phát từ tên gọi buôn của A ma Thuột – tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng; để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.

Quãng trường Buôn Mê Thuột

Buôn Ma Thuột ở giữa vùng đông dân nhất Tây Nguyên, độ cao 536 m (1.608 ft). Buôn Ma Thuột cách Hà Nội 1.410 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Là một thành phố có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng.

Đường bộ

Quốc lộ 14 nối về phía phía bắc đi Pleiku (195 km), đi Kon Tum (244 km), nối với Đà Nẵng, về phía nam đi ĐăkNông, Bình Phước, Bình Dương, Tp Hồ Chí Minh (350 km).

Quốc lộ 26 đi Ninh Hòa, Nha Trang (198 km).

Quốc lộ 27 đi Đà Lạt (193 km).

Đường hàng không

Buôn Ma Thuột còn có cảng hàng không Buôn Ma Thuột, trực thuộc cụm cảng hàng không miền Nam. Các tuyến bay gồm có

Buôn Ma Thuột – Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh

Buôn Ma Thuột – Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Đà Nẵng

Buôn Ma Thuột – Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội

Đặc sản

Rượu cần Ê Đê

Rượu cần hiện nay được xem là thức uống “đặc sản” của đồng bào Tây Nguyên. Ở mảnh đất đầy nắng, đầy gió này đã tồn tại những cụm từ nổi tiếng về rượu cần như: Đêm rượu cần, say ngất ngây như men rượu cần…Vậy đã có bao giờ bạn uống rượu cần Tây Nguyên chưa? Và đặc biệt, khi nào bạn ngất ngây trong men rượu cần thì khi đó bạn mới hiểu rượu cần Tây Nguyên đặc biệt thế nào.

Uống rượu cần là thói quen lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần là một thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý. Nhiều dân tộc Tây Nguyên làm rượu bằng cách dùng nếp cẩm hoặc nếp trắng nấu thành xôi, phơi bằng nong cho nguội rồi trộn men vào cho ủ kín. Men rượu làm bằng củ riềng, rễ cam thảo và củ cây chít, phơi khô – sau đó đem giã nhuyễn thành bột đem trộn với gạo. Cho một ít nước vào rồi nắm lại thành một nắm lớn bằng cái bát (chén), ủ cho đến khi lên mốc trắng là được. Khi đã lên men, trộn thêm trấu để sau này dùng cần hút dễ hơn. Tất cả cho vào ché đựng rượu theo nguyên tắc xếp lớp, cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu. Sau cùng người ta bịt miệng ché bằng lá chuối khô. Rượu ủ ba ngày là có thể dùng được, tuy nhiên ủ càng lâu rượu càng có độ nồng cao và càng thêm đậm đà. Việc trộn trấu đòi hỏi cũng cần có tay nghề vì trấu có tác dụng khi cắm cần vào ché rượu, cần rượu không bị tắc. Rượu ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật, khi rót ra dòng chảy không bị đứt đoạn, sờ vào thấy hơi dính, có mùi thơm ngây ngất, cay nồng xen lẫn với vị ngọt rất đặc trưng.

Rượu ngon phải để trong chén quý. Khác với người M/ Nông chỉ dùng ít loại chén, thường là màu đen toàn thân bóng lộn và có dáng thấp; người Êđê có nhiều loại chén khác nhau về màu sắc và kích thước. Những chiếc chén Tuk và chén Tang là quý hơn cả, nhất là loại có màu trắng và màu xanh, thường có từ 3 đến 6 tai và càng to thì càng quý.

Ngoài ra một số dân tộc còn có cách làm khác. Không dùng xôi ủ lên men mà dùng gạo rang đem ủ với men trộn nhiều riềng để có mùi thơm ngon hoặc dùng ngô, sắn là vật liệu rẻ nhưng loại này dễ bị chua nhưng nếu nấu không khéo dễ bị đắng, gây đau đầu.

Cơm lam

Cơm lam bắt nguồn từ những chuyến đi rừng dài ngày của người đàn ông với túi gạo mang theo, dao quắm và đá đánh lửa cùng ống nứa sẵn có trong rừng, vậy mà nay đã trở thành món đặc sản, “hút hồn” du khách.

Trong hình dung cảm tính của nhiều người, cơm lam phải là thứ cơm đại loại có mầu xanh của lá rừng, có hương thơm của cây rừng… nhưng nào chỉ thế. Những ống nứa non thon nhỏ dài dài như tấm mía ở chợ đã nướng sém lớp vỏ ngoài, được người làm cơm lam khéo léo róc đi lớp vỏ cật khét lửa, để lộ ra lớp vỏ giữa trắng trẻo thơm tho. Tước nhẹ từng dải như người bóc chuối chín lớp vỏ giữa đó, là đến phần lõi cơm. Lõi cơm được bao bọc bởi một lớp vỏ lụa mịn màng, mỏng mảnh, có màu trắng ngà – thứ vỏ lụa chỉ có trong ruột ống nứa non, khiến cho cơm lam có một nhan sắc rất đỗi thuần hậu mà ta muốn được nâng niu mãi.

Chỉ là một món ăn giản dị của núi rừng, gắn với những con suối róc rách đầu nguồn, những nương lúa chín vàng bên sườn đồi, những vạt rừng tre nứa xanh ngút đầu non và bếp lửa mùa đông của mẹ, mà sao có thể khiến người đi xa khó nguôi quên đến thế. Cơm lam cũng khiến người mới gặp lần đầu bỗng ngỡ ngàng trước một món ăn tưởng không có gì đơn giản, khiêm tốn hơn, mà chứa trong đó biết bao nghệ thuật và ý tưởng của hạt gạo vùng cao trong mối giao tình với nước, lửa và những ống nứa non…

Tổng hợp từ daktra.com.vn

Đi đâu, chơi gì?

Do Buôn Ma Thuột là nơi đầu tiên người Kinh lưu lạc đến lập nghiệp để xây dựng Đăk Lăk hôm nay nên ở đây tập trung hầu hết các di tích có ý nghĩa lịch sử của Đăk Lăk như: Đình Lạc Giao, Chùa Sắc tứ Khải Đoan, Nhà đày Buôn Ma Thuột,Bia Lạc Giao, khu Biệt điện Bảo Đại – hiện tại là Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk, Toà Giám mục tại Đắk Lắk.

Biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột

Du khách cũng có thể đến với làng văn hoá buôn AKô Đhông, ngắm cây Kơnia cổ thụ giữa lòng thành phố sát Ngã 6 Ban Mê, thưởng thức hương vị cà phê Ban Mê…

Với vị trí trung tâm và giao thông thuận tiện Buôn Ma Thuột cũng chính là trung tâm du lịch lớn nhất của Đăk Lăk nối các điểm du lịch quan trọng trong tỉnh như Bản Đôn, Hồ Lắk, cụm thác Đray Sáp…

Ngã 6 Ban Mê

Ngã 6 Ban Mê là trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, nằm trên giao điểm của quốc lộ 14 và quốc lộ 26 đi qua thành phố. Ở đây có Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột được coi như biểu tượng của thành phố cũng giống như Tháp Eiffel của Paris hay Tượng Nữ thần Tự do ở New York.

Rừng Buôn Mê

Rừng Buôn Mê

Bến nước Buôn Mê

Bến nước Buôn Mê

Sông serepok tang tình

Cây Kơnia cổ thụ

Cây Kơnia, hay còn gọi là Cốc, Cầy, là một loài cây thân gỗ lớn, cao 15-30 m, đường kính 40-60 cm, tên khoa học là Irvingia malayana, thuộc họ Irvingiaceae. Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, họ coi chúng là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, rất ít khi họ đụng chạm đến chúng, chặt phá chúng; vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây Kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa.

Do bài hát Bóng cây Kơ-nia nổi tiếng vì vậy du khách khi đến Buôn Ma Thuột luôn muốn tìm xem tận mắt cây Kơ Nia. Ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột có một cây Kơ nia cổ thụ nằm trong khuôn viên sân sau nhà văn hoá trung tâm tỉnh, cách ngã 6 Ban Mê vài trăm mét.

Thủ phủ cà phê

Tuy cây cà phê đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk chỉ từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của những nhà tư bản Pháp như CADA, … nhưng do vùng đất đất đỏ bazal này đặc biệt phù hợp với việc canh tác cà phê nên việc phát triển diện tích trồng ở đây đã tăng lên; hiện tại, theo số liệu thống kê, Đắk Lắk có đến hơn 175.000 ha cà phê (thực tế có đến trên 200.000 ha vì một số diện tích không được tính do không trong quy hoạch).

Đắk Lắk cũng chính là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê thu hoạch cao nhất thế giới và góp phần chính trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 (riêng cà phê robusta chiếm vị trí số 1) của những quốc gia xuất khẩu cà phê.

Ở Đắk Lắk gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất, chính vì vậy thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được thế giới biết đến và địa danh Buôn Ma Thuột được nhiều người ví như “thủ phủ cà phê”.

Ở Đắk Lắk hiện tại, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở bản sắc văn hóa như việc mời đi uống cà phê đã là một nét văn hoá đặc trưng của vùng này. Mời đi uống cà phê là một nét văn hóa rất đặc trưng của thành phố Buôn Ma Thuột.

Mời đi uống cà phê.

Ở Đắk Lắk, việc đi uống cà phê đã trở thành một trào lưu, một phong cách sống. Việc đi uống cà phê đối với nhiều người ở đây cũng quan trọng giống như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Vì vậy, ở đây câu nói đi uống cà phê đã trở thành câu nói cửa miệng, thay vì mời đi uống nước, giải khát người ta lại nói là đi uống cà phê.

Chỉ riêng ở Buôn Ma Thuột, hiện tại quán cà phê nhiều đến nỗi nếu mỗi ngày chỉ cần vào một quán thôi cũng mất cả năm mới đi giáp một vòng. Các quán cà phê ở đây hầu hết được xây dựng rất đẹp, cầu kỳ và có phong cách riêng để thu hút khách. Tuy nhiên hấp dẫn nhất với du khách thường là các quán có phong cách Tây Nguyên như quán Pơ lang, Thung lũng hồng, Đá Xanh, Chuông đá…

Lễ hội Cà phê

Là một lễ hội được tổ chức để tôn vinh cây cà phê, một loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây. Lễ hội mới chỉ bắt đầu được tổ chức từ năm 2005 trong chương trình quảng bá hình ảnh Thủ phủ Cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk lắk. Lễ hội được nhà nước công nhận và cho phép tổ chức đều đặn hàng năm.

Buôn AKô Đhông

Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thôn, làng Ma Rin là một buôn làng người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.

AKô Đhông theo tiếng Ê Đê có nghĩa là buôn đầu nguồn vì nó ở đầu nguồn một con suối lớn ở Buôn Ma Thuột là suối Ea Nuôl. Ở đây nguồn suối bắt đầu cũng chính là bến nước cũ của buôn, một bến nước rất đẹp nhưng hiện tại không còn được sử dụng do bị ô nhiễm vì ở ngay trung tâm thành phố.

Buôn nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật- thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là một buôn lớn có lịch sử lâu đời được quy hoạch rất đẹp và giữ được nhiều giá trị truyền thống , hiện tại là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. Nằm trong quy hoạch khu trưng bày lịch sử của Buôn Ma Thuột.

Hồ Lak

Chặng đường từ Ban Mê đến Lak khoảng bảy tám mươi cây số nên phương tiện di chuyển tối ưu là ô tô. Trên đường đi, mọi người sẽ phát hiện ra một điều rằng các địa danh ở đây khá là… khó đọc, tỷ dụ như: Ea K’Mat, Krông Búc, Cư M’Gar, Ea H’Leo, Chư Lê M’Nga….

Nếu muốn hỏi thăm đường nơi đây, mọi người nên nhớ là cần phải phát âm cho chuẩn nếu không thì đồng bào chẳng thể đoán được hoặc nhiều khi làm đồng bào hiểu lầm sang từ khác có thể gây cười hoặc dẫn đến đổ máu cũng nên!

Rẫy bắp bên hồ

Một điều thú vị nữa là dọc đường không thấy cây café hay tiêu mà thay vào đó là lúa nước. Hỏi ra mới biết rằng đất huyện Lak là đất pha cát, lại thêm có nguồn nước tự nhiên là hồ Lak nên rất tốt cho việc trồng lúa. Đây chính là vựa thóc nuôi sống cả tỉnh Dak Lak với năng suất đáng mơ ước là mười tấn trên một hecta.

Thỉnh thoảng trên đồng lúa lại thấy chình ình một tảng đá hình thù kì dị khi thì giống con voi nằm, khi thì giống con trâu đứng. Những tảng đá này lạ ở chỗ mỗi năm chúng lại…to ra một ít! Dân bản địa cho rằng đó là những tảng đá thiêng nên không ai dám… nung vôi như người ta từng làm.

Thuyền độc mộc trên hồ

Cuối cùng thì cũng đến nơi. Ra đón đoàn là một nụ hoa cao nguyên dạt dào hương sắc: bé Thương. Theo lời những người già thì đất trời sơn cước này rất hợp với phụ nữ. Các thiếu nữ ở đây đẹp một cách tinh khôi mà mặn mà như ánh mặt trời cao nguyên phản chiếu qua giọt sương mai đọng trên nụ hoa đồng nội. Dường như nắng gió vùng sơn cước này như một chất vitamin thiên phú ưu ái riêng cho ngườiphụ nữ khiến họ đẹp một vẻ rất riêng, không thể nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào khác.

Ai muốn phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh hồ Lak thì không có chốn nào tốt hơn là đến biệt điện Bảo Đại. Những ai ham đi du lịch cũng có thể biết rằng ông vua cuối cùng của nước Nam này có dinh thự rải khắp từ trong Vũng Tàu, ra đến Nha Trang, lên tới Đà Lạt, cho đến tận giữa trung tâm ban Mê và ở ngay tại nơi hắn đang đứng, hồ Lak. Đứng từ biệt điện, du khách mới có thể cảm nhận hết sự rộng lớn của hồ Lak. Đây là hồ tự nhiên lớn nhất Việt Nam, rộng trên năm trăm hecta, rất lắm cá và là nguồn cung cấp nước cũng như thuỷ sản cho cả một vùng rộng lớn trù phú của tỉnh Dak Lak.

Đặc sản nổi tiếng nhất của vùng hồ này là cá thát lát. Đây là loài cá nhỏ, mình dài và dẹt nhưng làm chả thì ăn…quên chết. Chả cá thát lát ăn vừa thơm vừa ngọt thịt. Trong đêmcao nguyên se lạnh được một đĩa chả này cũng một chai rượu đế thì có thể coi là hạnh phúc trên cõi trần đã đạt đến độ viên mãn! Trong nắng sớm,hồ Lak như một viên ngọc lam xanh biếc ẩn hiện sau những cây tùng cổ thụ. Để lên đến ngôi biệt điện xinh xắn xây theo lối kiến trúc vùng Alpes này,du khách cần trải qua một đoạn đường uốn quanh mềm mại, hai bên trồng nhiều cây hoa đại. Cảnh trí nên thơ, mang chút hơi hướng Tây phương mà không lạc lõng, phóng khoáng mà không phô trương. Đây quả thật là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho bậc vương giả.

Trên đường vào Buôn Jun có cái biển đề “Le lac du Lak”. Buôn Jun nằm ở ven hồ, là nơi sinh sống của ba dân tộc Ê Đê, M’Nông và Việt.Nhà sàn ở đây không khác mấy so với Buôn Đôn nhưng có một điểm đặc biệt ở bậc thang lên xuống. Có hai thanh gỗ làm bậc cho hai tộc người cùng lên xuống một ngôi nhà. Bậc thang dành cho người M’Nông thì không mấy đặc biệt vì nó chỉ là một thanh gỗ trên đó đẽo những bậc lên xuống. Còn bậc thang cho người Ê Đê thì có thêm hai cái núm. Khách khi lên xuống nhà theo bậc thang đấy đều phải xoa vào hai cái núm đó để bày tỏ sự…tôn trọng chủ nhân ngôi nhà! Quý vị nên ghi nhớ lấy điều này, đừng vì chút ngại ngùng mà gây mất thiện cảm của đồng bào.

Cảm giác đi thuyền trên hồ Lak khác hẳn cảm giác đi trên hồ Đại Lải hay trên lòng hồ Hoà Bình. Ở đây, du khách vừa có thể thưởng lãm cảnh quan, vừa có thể cảm nhận được hơi thở cuộc sống của cư dân quanh hồ. Hồ Lak giống như một hoạ phẩm tuyệt mỹ do một hoạ sỹ điều sắc tài ba vẽ nên: nước hồ xanh thẳm một màu lam ngọc; vòm trời cao xanh ngắt điểm vài áng mây xốp nhẹ trôi lờ lững; những sườn đồi ven hồ xanh non một màu của cây bắp; đây đó, vài tán cây kơ nia duyên dáng soi bóng xuống mặt hồ; thỉnh thoảng một dáng người gầy guộc thoăn thoắt chèo chiếcthuyền độc mộc mỏng manh như một nét chấm phá tạo nên sự toàn bích của bức tranh.

Single Post Navigation

1 thoughts on “THUYẾT MINH TOUR BUÔN MA THUỘT

Gửi bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.